Những hormone này được các tế bào nội tiết trên lớp niêm mạc dạ dày – ruột tiết vào vòng tuần hoàn cửa (portal circulation), sau đó qua gan vào vòng tuần hoàn hệ thống. Chúng đi theo dòng máu đến các cơ quan đích và gây ra tác động sinh lý tại đó.
Để được nhìn nhận như là một hormone dạ dày – ruột “chính thức”, những hợp chất đó phải đáp ứng các điều kiện sau đây : (1) chúng được tiết ra để đáp ứng với 1 kích thích sinh lý và phải theo dòng máu tới một vị trí khác xa hơn, nơi tác động sinh lý của chúng được thực hiện. (2) chức năng của chúng phải độc lập với hoạt động thần kinh (3) chúng phải được tách ly, tinh lọc, xác định bản chất hóa học và phải được tổng hợp. Như vậy đáp ứng được 3 tiêu chuẩn trên, chỉ có (1) Gastrin, (2) CCK (cholecystokinin), (3) Secretin và (4) GIP (Glucose – dependent Insulinotropic Peptide).
A.Gastrin :
- Chứa 17 amino acids (little gastrin)
- Dạng gastrin nhỏ này được tiết ra đáp ứng với bữa ăn.
- Hoạt động sinh học của gastrin phụ thuộc vào 4 amino acids ở đầu C tận.
- Gastrin lớn (big gastrin) chứa 34 amino acids, tuy nhiên nó ko phải là dimer của little gastrin, được tiết ra ở khoảng giữa các bữa ăn và kích thích tiết chất nhầy ở dạ dày.
Hoạt động của Gastrin :
- Kích thích tiết H+ ở tế bào thành.
- Kích thích sự tăng trưởng của niêm mạc dạ dày thông qua sự kích thích tổng hợp RNA và các protein mới. Do đó đối với những bệnh nhân bị khối u tiết Gastrin, ở dạ dày có hiện tượng phì đại và tăng sản của lớp niêm mạc.
Kích thích tiết Gastrin :
- Gastrin được tiết ra từ các tế bào G có chủ yếu ở vùng hang vị sau 1 bữa ăn.
- Đáp ứng tiết Gastrin là nhờ có : (1) Những peptit nhỏ và các amino acid trong lòng dạ dày với đáp ứng mạnh nhất thuộc về phenylalanine và tryptophan, (2) sự giãn của thành dạ dày, (3) kích thích của thần kinh số X, thông qua GRP (Gastrin Releasing Peptide). Do vậy những loại thuốc khóa tác động của Ach (như Atropine) sẽ không khóa được con đường tiết Gastrin thông qua GRP của thần kinh lang thang.
Ức chế tiết Gastrin :
- H+ trong lòng dạ dày ức chế sự tiết Gastrin. Cơ chế điều hòa ngược này cho phép đảm bảo trong lòng dạ dày không bị kích thích tiết quá nhiều acid bởi Gastrin.
- Somatostatin ức chế tiết Gastrin.
B. CCK
CCK là một peptit chứa 33 amino acids, và nó được xếp tương đồng với Gastrin (5 amino acids ở đầu C tận của CCK trùng lắp với Gastrin). Tác động sinh học của CCK phụ thuộc vào 7 amino acids ở đầu C tận.
Tác động của CCK :
- Kích thích sự co thắt túi mật cùng với sự giãn đồng thời của cơ vòng Oddi cho sự tiết dịch mật.
- Kích thích dịch tụy tiết các men.
- Tác động hỗ trợ (Potentiate) với Secretin trong việc tiết bicarbonat ở tụy.
- Kích thích sự tăng trưởng của tuyến tụy ngoại tiết.
- Ức chế sự tống xuất thức ăn của dạ dày, chuẩn bị thời gian cần thiết cho sự tiêu hóa và hấp thu ở ruột non.
Kích thích tiết CCK :
- CCK được tiết ra bởi tế bào I ở niêm mạc tá tràng và hỗng tràng do : (1) peptit nhỏ và các amino acid, (2) acid béo và monoglyceride, diglyceride (triglyceride không có tác dụng kích thích vì chúng không thể thấm qua lớp màng tế bào ruột).
C. Secretin
Secretin là một peptit chứa 27 amino acids, được xếp tương đồng (homologous) với Glucagon do 14 trong số 27 amino acids của Secretin cũng được tìm thấy tương ứng ở Glucagon.
Tác động của Secretin :
Chức năng chính của Secretin là làm giảm ion H+ trong lòng ruột non.
- Kích thích tụy tiết bicarbonat và kích thích sự tăng trưởng của tuyến tụy ngoại tiết.
- Kích thích tiết bicarbonat và nước ở gan và tăng sản xuất mật.
- Ức chế tiết H+ bởi các tế bào thành ở dạ dày.
Kích thích tiết Secretin :
- Secretin được tiết ra ở tế bào S ở tá tràng để đáp ứng với : (1) H+ trong lòng tá tràng, (2) acid béo trong lòng tá tràng.
D. GIP
GIP là một peptit chứa 42 amino acids, được xếp tương đồng với Secretin và Glucagon.
Tác động của GIP :
- Kích thích tiết Insulin. Với sự có mặt của glucose từ đường miệng, GIP gây ra tiết insulin từ tụy tạng. Do vậy sử dụng glucose đường miệng sẽ hiệu quả hơn glucose đường truyền tĩnh mạch trong việc phóng thích insulin, do đó cũng sẽ hiệu quả hơn trong việc sử dụng glucose của cơ thể.
- Ức chế tiết H+ của tế bào thành ở dạ dày.
Kích thích tiết GIP :
- GIP được tiết ra ở tá tràng và hỗng tràng.
- GIP là hormone dạ dày – ruột duy nhất được tiết ra do đáp ứng với chất béo, đạm và carbohydrate. Tiết GIP được kích thích bởi các acid béo, amino acids và glucose đường miệng.
Tham khảo:
Linda Costanzo, BRS Physiology 5th Edition, Lippincott Williams & Wilkins, trang 192 - 194.
Linda Costanzo, Physiology 4th Edition.
thank you
Trả lờiXóa